“Mình không có gì để mặc cả…” - hẳn là các cô gái ai cũng đã từng phải thốt ra câu nói ấy không ít lần, và thế là sau đấy là một chuyến shopping. Sau nhiều lần “không có gì để mặc cả” thì khi bạn nhìn lại tủ quần áo của mình, nó đã biến thành một bãi chiến trường với hàng đống quần áo mà có khi bạn còn chưa bao giờ đụng tới.
Không chỉ thế, mỗi khi thời tiết thay đổi mùa, từ Hè sang Thu-Đông, tủ quần áo của bạn lại cần tiếp một lần làm mới. Nhưng hãy nhớ rằng, nếu chỉ thêm tăng đầu vào mà không xử lý đầu ra, tủ quần áo của bạn sẽ sớm gặp phải tình trạng quá tải.
Dưới đây là 10 nguyên tắc để bạn có thể tham khảo để tiết kiệm thời gian và suy nghĩ mỗi lần cần “thanh lọc” lại gia tài thời trang của bạn.
1. Nói không với những món quần áo đã quá 2 năm không đụng tới
Khi dọn dẹp tủ, hãy bắt đầu với việc gỡ và dời tất cả quần áo ra khỏi tủ để không sót bất kỳ chiếc áo cũ nào đang trốn trong góc và nắm được rõ nhất số quần áo mà bạn đang có.
Tiếp theo, đơn giản thôi, bạn cần phải quyết đoán. Ngoài những chiếc váy hoặc những bộ suit sang trọng ít có dịp mặc nhưng vẫn trong tình trạng tốt, bất cứ món quần áo nào quá 2 năm mà bạn chưa đụng đến, hãy dứt khoát phân loại và xử lý chúng.
Chiếc quần thủng lỗ bạn ngày xưa yêu thích không cách nào sửa chữa, vào thùng rác. Chiếc váy xòe khác style bình thường mà bạn tùy hứng mua vào một dịp hy vọng sẽ mặc nhưng cuối cùng đã quá lâu không đụng đến, vào hộp từ thiện. Có một số quy tắc rõ ràng sau:
2. Phân loại từng loại quần áo trong từng ngăn kéo
Phân chia rõ ràng từng loại ngăn tủ cho từng mục đích của chúng sẽ giúp bạn dễ dàng tìm kiếm và kết hợp trang phục hằng ngày, ngoài ra còn hỗ trợ bạn trong việc bảo quản chúng trong điều kiện thích hợp. Chọn ra hộc tủ, hộp, thùng hoặc tự tạo vách ngăn trong tủ để phân loại quần áo ở nhà, quần áo, chân váy, đồ lót và vớ ra các ngăn tủ khác nhau. Hãy cố gắng cố định các ngăn tủ đã sắp xếp với mục đích của chúng và không để lung tung sau khi sử dụng. Lợi ích của việc phân chia ngăn tủ này cũng giúp bạn xác định được món quần áo mà bạn bị mất hoặc món trang phục nào mà bạn còn thiếu cần mua thêm.
3. Đặt túi xách lên các kệ tủ quần áo
Bạn không nên treo túi xách lên cao, đặc biệt với chất liệu da vì nếu để lâu dài ở vị trí cố định sẽ dễ gặp phải tình trạng túi bị cứng và gãy nếp. Hãy cố gắng đặt túi lên bề mặt phẳng như kệ tủ. Đừng cất túi xách của bạn vào hộp giấy vì bạn có thể bỏ quên chúng đấy. Ngoài ra, chất liệu da, vải hay nhựa dẻo đều cần được bảo quản trong môi trường thoáng mát, tránh bị ẩm mốc. Ngoài ra, bạn cũng nên đặt một thời gian cố định để dành thời gian vệ sinh và làm sạch túi xách và balo giỏ của bạn.
4. Thay đổi móc treo trên tủ quần áo
Hãy lựa chọn cẩn thận móc treo quần áo vì nó có thể làm hỏng quần áo của bạn đấy. Ví dụ nếu lựa chọn móc kim loại cho quần áo len của bạn có thể sẽ bị dãn. Hãy sử dụng móc nhựa, móc kim loại cho quần áo có chất liệu mỏng nhẹ. Móc gỗ hoặc móc khung to bọc nỉ để treo quần áo chất liệu dày như áo măng tô hoặc áo bông.
5. Lắp thêm móc treo trong tủ quần áo
Việc lắp thêm móc quần áo để các món phụ kiện thời trang như thắt lưng, khăn choàng và nón của bạn có thể được lấy ra dễ dàng, tránh rối vào nhau và thuận tiện cho việc tìm kiếm.
6. Giữ cho tủ quần áo luôn thoáng và thơm
Bạn có thể treo thêm vào tủ một túi long não hoặc túi thơm, sáp thơm để khử mùi, chống côn trùng và lưu giữ mùi hương dễ chịu trên quần áo. Hiện nay bạn có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm túi thơm, tuy nhiên bạn hãy lưu ý xuất xứ và thành phần sản phẩm để tránh bị dị ứng vì các hạt li ti tạo mùi dễ bám vào quần áo. Hãy chọn các túi thơm có thành phần thiên nhiên, có tính khử mùi cao như chanh, hoa oải hương, cà phê vừa có mùi dễ chịu, không quá nồng mà còn thân thiện với môi trường.