Hẹn hò với một cô nàng/ anh chàng tự luyến (rối loạn nhân cách ái kỷ) có thể khiến bạn hao tổn nhiều về mặt tinh thần. Sau đây là những cách nhận biết, cũng như lý do chính đáng để bạn đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ với người mắc bệnh tự luyến.
Tự luyến (rối loạn nhân cách ái kỷ) là gì?
Những người gặp chứng tự luyến (NPD: Narcissist Personality Disorder) thường rất khó nhận biết. Nếu họ càng trưởng thành, khả năng che giấu càng tốt. Đặc điểm thường thấy của người mắc bệnh tự luyến là xem bản thân như “trung tâm của vũ trụ”, tự thấy bản thân là đẹp nhất, giỏi nhất, không ai xứng đáng có được tình yêu của họ ngoài... chính họ.
Từ việc cái tôi quá lớn, yêu bản thân quá đà khiến những người tự luyến trong mối quan hệ tình cảm thường chỉ quan tâm đến lợi ích phục vụ cảm xúc bản thân, không hề hứng thú với việc đối phương muốn gì và thích gì. Ngày qua ngày, đây sẽ là tiền đề của những tư tưởng lệch lạc có thể dẫn đến những hành vi sai trái.
Trong một mối quan hệ yêu đương với người tự luyến bạn dễ dàng bị thao túng, có thể hoàn toàn mất liên lạc với thực tại, rơi vào trạng thái bị bạo hành cảm xúc (perspecticide).
Họ sẽ không thành thật với bạn
Trong nhận thức của người tự luyến, họ xem việc sống hai mặt và dối trá là điều bình thường, thậm chí còn là phản xạ tự nhiên trong giao tiếp. Ngay từ đầu, họ đã rất điêu luyện trong việc lấy lòng người khác, nhất là tìm sự thương cảm. Người tự luyến thường bắt đầu mối quan hệ bằng việc kể lể các biến cố trong cuộc đời, từng bị phản bội, bị bạn bè lợi dụng (những điều không có thật, hoặc có thật mà bị cường điệu hoá). Đây là một mũi tên trúng hai con nhạn, bởi lẽ họ không chỉ thu hút sự chú ý, thương cảm của bạn mà còn làm nổi bật hơn việc vượt khó, thành tích của họ sau những biến cố.
Khi nghe về những câu chuyện thương tâm này, bạn sẽ dễ dàng đồng cảm và rơi vào trạng thái cảm thấy bạn phải có trách nhiệm với người này. Và khi bạn đã “cắn câu”, bạn sẽ đối mặt với một mối quan hệ tình cảm giả dối. Người mắc chứng tự luyến sẽ không bao giờ thành thật với bạn.
Tất cả là lỗi của bạn
Như đã giải thích ở trên, lúc đầu người tự luyến sẽ để cho bạn tin rằng bạn là người có thể bù đắp những mất mát, tổn thương của họ. Họ sẽ luôn nói: “Anh/ em chưa bao giờ chia sẻ được điều này với ai ngoài em/anh”. Sau thời gian họ “tâng bốc” bạn như một “người hùng” trong cuộc đời của họ. Đến khi bắt đầu xuất hiện những bất đồng trong mối quan hệ thì tất cả lại là lỗi là do bạn.
Người mắc bệnh tự luyến không biết lắng nghe và sẽ rất ít khi nhận lỗi. Thậm chí dù họ biết đó là lỗi của họ nhưng vì tự tôn quá cao họ vẫn sẽ nói “em sai rồi, anh xin lỗi em đi”.
Bạn sẽ bị cho là nguyên nhân khiến mối quan hê rạn nứt. Thậm chí, bạn còn bị “kết tội” phá huỷ niềm tin vào tình yêu, cuộc đời của đối phương.
Điều này có thể khiến bạn tổn thương và hoàn toàn không công bằng với bạn. Đây cũng thường lý do bạn khó chia tay người tự luyến. Dù không thoải mái trong mối quan hệ này, đã vượt quá những giới hạn chịu đựng nhưng cuối cùng bằng cách đổ lỗi, người tự luyến sẽ khiến bạn áy náy và nghĩ bạn phải tiếp tục có trách nhiệm với cuộc đời của họ.
Thường xuyên bị thao túng
Trong tiềm thức, họ luôn nghĩ bản thân là “trung tâm của vũ trụ”, người tự luyến thường muốn mọi thứ xung quanh phải tập trung chú ý đến họ: ngoại hình của họ, công việc của họ, sức khoẻ của họ, cảm xúc và nhu cầu của họ. Đồng thời, họ cũng có một khao khát cháy bỏng là kiểm soát và thống trị người khác. Nếu bạn dành thời gian và tâm tư đến ai ngoài họ, thậm chí là người thân của bạn, người mắc bệnh tự luyến đều cảm thấy khó chịu. Đó là lý do khi hẹn hò với anh chàng/ cô nàng tự luyến, họ luôn tìm cách cắt đứt mối quan hệ của bạn với người xung quanh.
Cuộc sống riêng tư của bạn bị kiểm soát, bạn không có nhiều lựa chọn trong các mối quan hệ xã hội, công việc, giải trí.
Không bao giờ là đủ
Mặc dù người tự luyến luôn tỏ ra hoàn hảo, mạnh mẽ và độc lập nhưng trong một mối quan hệ họ lại cần được chăm sóc đặc biệt. Bạn phải chăm sóc anh chàng/ cô nàng từng miếng ăn giấc ngủ theo đúng nghĩa đen. Bạn phải luôn bên cạnh khi họ cần (hoặc không cần lắm). Nếu bạn không như thế thì sẽ bị quy chụp là không yêu họ.
Lẽ dĩ nhiên đây sẽ rắc rối với bạn, vì ai cũng có cuộc sống riêng, công việc riêng. Nhưng dù bạn cố gắng nói cho họ biết, giải thích cho họ hiểu hàng trăm lần, dù lời nói của bạn có hợp tình, hợp lý bao nhiêu cũng chỉ là nước đổ đầu vịt.
Cho dù bạn cố gắng hết sức thông cảm, quan tâm, chăm sóc một người tự luyến như thế nào thì họ vẫn cảm thấy không đủ. Việc ảo tưởng sức ảnh hưởng kèm theo cảm xúc luôn bất an, khiến họ thường có những cơn thịnh nộ vô cớ.
Và như điều 2 và 3, bạn tiếp tục bị cho là người có lỗi và họ lại thao túng cuộc sống của bạn.
Một mối quan hệ không lành mạnh
Anh chàng/ cô nàng tự luyến làm mọi thứ để trói buộc bạn vào họ, nhưng họ sẽ không chịu trách nhiệm về việc đó. Sau tất cả, những gì một người mắc bệnh tự luyến vẫn muốn là tự yêu bản thân mình. Trong tình yêu, họ chỉ muốn nhận chứ không muốn cho đi bất cứ điều gì. Tức là một khi bạn đã yêu một người tự luyến đồng nghĩa với việc đây là tình yêu một chiều.
Bạn sẽ không nhận được tình cảm chân thành, sự cảm thông và thấu hiểu như một mối quan hệ bình thường. Hoặc nếu có cũng chỉ rất hời hợt, khó đoán và đều có mục đích. Mối quan hệ kém lành mạnh này mang đến cho bạn những suy nghĩ và hành động tiêu cực trong cuộc sống.
Lời kết
Chủ động đặt dấu chấm hết cho một mối quan hệ tình cảm là chuyện không hề đơn giản, nhất là nếu bạn yêu phải một anh chàng/ cô nàng mắc phải chứng tự luyến. Bởi vì họ yêu bản thân họ đến điên cuồng, họ có thể từ bỏ bạn nhưng không cho phép điều ngược lại.
Hoặc đôi khi, khó khăn chia tay lại xuất phát từ phía bạn khi lỡ có tình cảm sâu đậm hoặc động lòng trắc ẩn với hi vọng có thể giúp đỡ đối phương tốt hơn. Đồng ý rằng, tình yêu chân thành là cho đi không cần nhận lại, thế nhưng nếu trong một mối quan hệ tình cảm đã không nhận được gì còn khiến bạn tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống thì hãy can đảm từ bỏ, vì bạn xứng đáng có được điều tốt hơn.
Chia tay một người mắc bệnh tự luyến sẽ rất khó khăn với bạn. Nếu họ vẫn chưa có đối tượng mới, chắc hẳn họ sẽ xin lỗi, hứa hẹn và muốn quay lại. Đôi khi họ còn cố tình sắp xếp những cuộc chạm mặt bất đắc dĩ. Đến khi họ không còn hứng thú với bạn nữa thì bạn phải đối mặt với những tin đồn thất thiệt về bạn. Rõ ràng, họ sẽ tái sử dụng chiến thuật biến những người yêu cũ là kẻ xấu để thu hút sự thương cảm (mà chính bạn cũng đã từng mắc bẫy).
Hãy bình tĩnh, khéo léo từ chối và đừng đạp lên vết xe đổ. Bỏ kết bạn trên mạng xã hội, đổi số điện thoại và cảnh giác. Bạn hãy dành thời gian để phát triển bản thân, học thêm điều mới mẻ, bên cạnh gia đình va bạn bè nhiều hơn. Mọi chuyện cũng sẽ qua, bạn chỉ cần sống thật tốt và giữ vững niềm rằng chắc chắn bạn sẽ gặp được tình yêu chân thành và lành mạnh hơn.
Bài viết: lemy 1995
Nguồn: Mindbodygreen/ Business Insider/ Insider